Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

LỊCH SỬ XÃ BÀN ĐẠT

2023-08-11 10:17:00.0

Xã Bàn Đạt là xã nằm ở phía Bắc của huyện Phú Bình, cách trung tâm huyện khoảng 18 km, xã có con sông Đào chảy qua, xã Bàn Đạt có hai dạng địa hình đồng bằng và địa hình gò đồi. Đây là yếu tố thuận lợi để xã kết hợp canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp với kinh tế trang trại. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân xã Bàn Đạt đã hun đúc nên truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, anh dũng trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương; các thế hệ nối tiếp nhau, người dân trong xã không ngừng đoàn kết, chinh phục cải tạo tự nhiên, sinh sống tụ cư trong làng xã.

Trải qua quá trình phát triển, Bàn Đạt có nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Theo sách “ Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX – thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (các tổng, trấn, xã danh bị lãm)” và sách “Đồng Khánh địa dư chí”, Từ năm 1887 trở về đầu thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) xã Bàn Đạt ngày nay thuộc tổng Bảo Nang, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình.

Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập. Sau khi cơ sở Việt Minh được thành lập đầu tiên của huyện, đã lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, cùng với thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của huyện tại Kha Sơn Hạ, tin khởi nghĩa giành chính quyền của Kha Sơn Hạ lan ra nhanh chóng, cổ vũ tinh thần quần chúng khắp nơi nổi dậy. Ngày 16/3/1945 một số địa bàn thuộc Phủ Phú Bình giành được chính quyền trong đó có xã Bàn Đạt ngày nay. Tháng 3/1945, đội tự vệ chiến đấu được thành lập ở đồn điền Vạn Già; đội tự vệ chiến đấu được tổ chức ở nhiều nơi trong khu vực đồn điền Vạn Già như ở Đồng Vỹ, Na Chặng, Bờ Tấc, Đá Bạc, Việt Long, Bàn Đạt…. Tháng 6/1945 đội tự vệ chiến đấu vùng đồn điền phối hợp với trung đội võ trang tập trung đầu tiên của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phú Bình tổ chức phá kho thóc của Nhật ở Cầu Mây, chia cho dân nghèo. Cùng với hoạt động phá kho thóc, cứu đói cho nhân dân, thực hiện lệnh của cấp trên, tự vệ chiến đấu vùng đồn điền trừng trị những tên phản động và gián điệp. Từ thời điểm này, nhân dân vùng đồn điền Vạn Già, trong đó có nhân dân Bàn Đạt thoát khỏi sự kìm kẹp của bọn địa chủ và tay sai. Niềm tin được củng cố, nhân dân phấn khởi, hăng hái tham gia vào các phong trào cách mạng.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, tháng 10/1945 xã Vạn Thắng  được thành lập trên cơ sở một phần địa giới và dân số của đồn điền Vạn Già. Xã Vạn Thắng gồm các thôn: Thắng Lợi (ngày nay là xã Bàn Đạt), Kim Đĩnh (xã Tân Kim ngày nay), Tân Lập, Bình Thuận, Đức Khánh (tức Tân Khánh), TĐồng Liên. Chính quyền non trẻ mới được thành lập đối diện với vô vàn những khó khăn gồm giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính phủ và Bác Hồ, nhân dân Vạn Thắng từng bước đẩy lùi giặc đói, giặc dốt thông qua các phong trào hũ gạo tiết kiệm theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”, phong trào khai hoang, phục hóa đẩy mạnh sản xuất; phong trào bình dân học vụ,… song song với đó, không ngừng xây dựng và nâng cao chất lượng, trình độ chiến đấu của lực lượng du kích địa phương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong cuộc hành quân “Hải Cẩu” tấn công lên thị xã Thái Nguyên vào năm 1950, dân quân, du kích xã Vạn Thắng đã phối hợp với đại đội 224 phục kích, đánh đòn phủ đầu, loại khỏi vòng chiến đấu 20 tên, khiến chúng hoảng sợ phải bỏ ca nô hành quân men theo dọc bờ sông Máng hướng lên thị xã Thái Nguyên. Cuộc hành quân “Hải Cẩu” đánh lên Thái Nguyên không đỡ đòn được cho quân Pháp ở mặt trận biên giới, thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề, ngày 08/10/1950 chúng rút quân khỏi thị xã Thái Nguyên. Trước chiến thắng vừa mới đạt được trong cuộc chiến đấu đập tan cuộc hành quân “Hải Cẩu” góp phần quan trọng vào chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950, cán bộ đảng viên và nhân dân xã Vạn Thắng càng thêm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, hăng hái tham  gia đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Cách đây 70 năm, vào cuối tháng 8 năm 1953, xã Vạn Thắng được tách ra thành 4 xã mới: Thắng Lợi, Tân Kim, Đồng Liên và Tân Khánh. Xã Thắng Lợi (ngày nay là xã Bàn Đạt) gồm 08 xóm: Bờ Tấc, Bàn Đạt, Việt Long, Đá Bạc, Cầu Mành, Đồng Quan, Đồng Vĩ, Na Chặng. Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính xã Thắng Lợi lúc này là đồng chí Nguyễn Văn Thà. Cùng với việc thành lập xã, chi bộ xã Thắng Lợi được thành lập và kiện toàn. Tại thời điểm thành lập, chi bộ có 29 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm Bí thư. Đây là mốc lịch sử quan trọng, là bước ngoặt trong quá trình xây dựng, trưởng thành của địa phương.

Được thành lập trong giai đoạn cục diện kháng chiến chống Pháp có những biến đổi quan trọng, xã Thắng Lợi cũng như các địa phương khác của toàn huyện bước vào thực hiện chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, điều này đặt ra cho chi bộ, ủy ban kháng chiến hành chính xã Thắng Lợi nhiều khó khăn, thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, công cuộc cải cách ruộng đất đợt 1 trên địa bàn xã Thắng Lợi đã thành công; đưa ước mơ ngàn đời “người cày có ruộng” của nông dân trở thành hiện thực. Tuy quá trình thực hiện cải cách ruộng đất có những sai sót, khuyết điểm nhưng đã xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột, giải phóng giai cấp nông dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất; đóng góp nhiều lương thực phục vụ các chiến dịch.

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh “ Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, với quyết tâm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nhân dân xã Thắng Lợi hăng hái làm nhiệm vụ dân công, vận tải, tải thương phục vụ chiến trường; tích cực thi đua lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ kháng chiến. Ủy ban kháng chiến hành chính xã chỉ đạo chuẩn bị và treo khẩu hiệu cổ động phục vụ chiến trường ở khắp mọi nơi. Toàn thể nhân dân thi đua huy động nhân lực, vật lực cho chiến trường, tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi. Trải qua suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, chi bộ xã Vạn Thắng (từ tháng 8/1953 là Chi bộ Thắng Lợi) ngày càng trưởng thành cả về tổ chức. trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân các dân tộc trong xã đã kiên cường chiến đấu chống giặc khi chúng hành quân vào địa bàn xã, luôn đoàn kết, hăng say sản xuất, làm ra nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn mảnh đất quê hương.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Thắng Lợi có 14 thanh niên tòng quân, 01 đồng chí đã anh dũng hy sinh và có hàng trăm thanh niên tình nguyện tham gia dân công làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu, tất cả vì sự bình yên cho nhân dân. Bàn Đạt đã cùng với cả nước lập nên nhiều chiến công vang dội, trải qua hàng ngàn ngày đêm chiến đấu, gian khổ hy sinh; Mặc dù, đời sống còn rất nhiều khó khăn, song hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, quân và dân xã Thắng Lợi đã đã đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm tấn lương thực, hàng trăm con trâu, bò, lợn gà cho tiền tuyến, giúp phần cùng cả nước lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, từ đây nhân dân các dân tộc trong xã bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền bắc, đồng thời trở thành hậu phương cho tiền tuyến miền nam đấu tranh thống nhất đất nước. Những kết quả đã đạt được khẳng định vai trò lãnh đạo của Chi bộ trong việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, là nguồn cổ vũ to lớn để nhân dân trong xã bước vào giai đoạn mới.

Bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vừa tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền nam. Sau ngày giải phóng miền bắc, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thắng Lợi có nhiều điều kiện thuận lợi xây dựng quê hương. Với tinh thần phấn khởi nhân dân bắt tay vào hàn gắn chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Trưởng thành từ trong kháng chiến, cán bộ, đảng viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác, có bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng cùng nhân dân vượt qua khó khăn. Nhân dân Thắng Lợi dưới sự lãnh đạo của Chi bộ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Ngày 06/6/1956, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập Khu tự trị Việt Bắc, huyện Phú Bình được tách khỏi tỉnh Thái Nguyên để sáp nhập vào tỉnh Bắc Giang. Thời gian này, xã Thắng Lợi thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Giang. Sau gần 01 năm, ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định tách huyện Phú Bình khỏi tỉnh Bắc Giang, sáp nhập về tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, xã Thắng Lợi trở về thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Thực hiện Nghị quyết đại hội III của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Phú Bình, Chi bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, giải quyết nạn đói. Năm 1958 – 1959, chi bộ đã xây dựng các tổ đổi công – đây được coi là vấn đề trọng tâm trong xây dựng quan hệ sản xuất mới trên địa bàn xã; trong 2 năm này Chi bộ xã Thắng Lợi và chính quyền đã thành lập được 15 tổ đổi công, mỗi tổ có trên 10 hộ tham gia. Tổ đổi công giúp tận dụng được lao động, sức kéo, nông cụ góp phần nâng cao hiệu quả lao động. Thông qua trong trào tổ đổi công, tình đoàn kết trong nhân dân được củng cố, cách thức làm ăn tập thể dần được hình thành. Tuy nhiên, các tổ đổi công cũng gặp phải những khó khăn như ruộng đất của các  gia đình trong cùng tổ không gần nhau nên việc đổi công không thuận lợi. Do đó, Chi bộ đã nhanh chóng lãnh đạo đưa các tổ đổi công tiến lên Hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. 8/1959 xã đã xây dựng thí điểm hợp tác xã Đồng Vỹ với 28 hộ xã viên. Sau khi Hợp tác xã Đồng Vỹ thí điểm thành công mang lại nhiều lợi ích thiết thực, chi bộ đã tiến hành nhân rộng ra các xóm trên toàn xã. Giai đoạn này, việc xây dựng quan hệ sản xuất thực hiện trên nguyên tắc: thống nhất quản lý, thống nhất kinh doanh, thống nhất phân phối trong toàn xã. Điều hành công việc bằng định mức công điểm, bằng quy hoạch, kế hoạch phân phối lương thực. Để nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lúa, hợp tác xã đã huy động hàng ngàn ngày công tu sửa, làm mới các mương, đập đảm bảo nước tưới cho 65% diện tích đất ruộng, nhờ đó năng suất được nâng lên rõ rệt, đạt trên 60kg/sào/vụ (năm 1960).

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác văn hóa, giáo dục, y tế chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân cũng được đảm bảo; nhiều lớp bình dân học vụ được ra đời, Ban y tế xã được thành lập, phong trào văn nghệ, thể thao được quan tâm, công tác huấn luyện dân quân thực hiện đầy đủ theo sự chỉ đạo của Huyện đội.

Năm 1963, Đảng bộ xã Thắng Lợi được thành lập, gồm 4 chi bộ trực thuộc: Chi bộ Đồng Vỹ, Chi bộ Na Chặng, Chi bộ Bàn Đạt, Chi bộ Việt Long. Đây là mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chi bộ đảng về cả số lượng và chất lượng lãnh đạo. Đảng bộ được thành lập, vai trò của các đảng viên trong xã ngày càng được khẳng định. Đảng viên có năng lực và đạo đức được tín nhiệm bầu vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo và phụ trách các ban, ngành, đoàn thể. Đảng bộ ra đời đã động viên quần chúng nhân dân đoàn kết chặt chẽ, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, hoàn thành kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, nhân dân xã Thắng Lợi ra sức sản xuất để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Nghị quyết số 103-NQ/TVQH ngày 21/4/1965 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc hợp nhất một số tỉnh và sáp nhập một số xã”, từ ngày 01/7/1965 tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái. Cũng trong năm 1965, xóm Phú Lợi được thành lập với 11 hộ 55 nhân khẩu, chủ yếu là dân cư từ các xã Thanh Ninh, Lương Phú lên khai hoang, định cư lập xóm.

Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân Thắng Lợi thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xã Bàn Đạt làm tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, vừa đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường, góp phần cùng quân, dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Xã đã đóng góp chi viện cho tiền tuyến hơn 500 tấn lương thực, thực phẩm; Toàn xã thực hiện gần 20 chiến dịch động viên tuyển quân do cấp trên phát động; động viên hàng chục lượt con em ưu tú của quê hương vào bộ đội, hàng trăm người tham gia dân công, thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở các khu vực trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ như Ga Khúc Rồng (địa phận Cầu Mành), cầu Gia Bẩy, ga Lưu Xá... Đó là những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, dũng cảm, niềm tin sắt son vào Đảng của con người Thắng Lợi, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong những năm 1954 – 1975, đảng bộ đã lãnh đạo toàn thể nhân dân trong xã góp phần xây dựng và bảo vệ hậu phương miền bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời ra sức chi viện, sức người, sức sủa cho tiền tuyến miền Nam.

Đọc lại những trang sử hào hùng của Đảng bộ, chúng ta không khỏi nghẹn ngào, xúc động và cảm phục những công lao to lớn của nhân dân, lực lượng vũ trang và cán bộ xã Bàn Đạt trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: đã có 157 người con Thắng Lợi đã lên đường nhập ngũ, trong đó có 30 người con xã đã chiến đấu anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sĩ, 54 người đã để lại một phần xương máu của mình trên các chiến trường, 34 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học; xã Bàn Đạt đã được nhà nước tặng thưởng 153 huân, huy chương các loại cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Những phần thưởng cao quý đó là sự ghi nhận đóng góp của Đảng bộ và nhân dân xã Thắng Lợi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Sự đóng góp, hi sinh của nhân dân Thắng Lợi đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đây là tiền đề, là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thắng Lợi bước vào thời kỳ mới.

Thực hiện Quyết định số 136-NV, ngày 07/4/1967 của Bộ Nội vụ về việc phê chuẩn sửa đổi tên một số xã thuộc tỉnh Bắc Thái trong đó có xã Thắng Lợi; Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan nên đến ngày 01/01/1975 xã Thắng Lợi chính thức đổi tên thành xã Bàn Đạt. Thời điểm này xã gồm 9 xóm: Bờ Tấc, Bàn Đạt, Việt Long, Đá Bạc, Cầu Mành, Đồng Quan, Đồng Vĩ. Na Chặng và Phú Lợi.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bàn Đạt bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh Bắc Thái về “ Đẩy mạnh sản xuất, thực hành triệt để tiết kiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ việc cung cấp và sử dụng lương thực, thực phẩm Nhà nước” Đảng bộ và nhân dân xã Bàn Đạt đã quán triệt sâu sắc chủ trương bằng nhiều biện pháp để đẩy mạnh sản xuất, nhằm đảm bảo lương thực chống đói cho nhân dân trong những ngày giáp hạt và hoàn thành nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Song song với phát triển kinh tế, Công tác văn hóa xã hội được Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm, công tác dạy học được đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa nâng cấp đảm bảo yêu cầu dạy học và học của giáo viên và học sinh; Bàn Đạt là một trong những xã có phong trào bổ túc văn hóa khá của huyện, xã cùng với xã Tân Khánh mở được 5 lớp xóa mù chữ cho 45 học viên người dân tộc Tày, Sán Dìu. Các công trình giao thông, thủy lợi, cũng như cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư xây dựng đã giúp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã. Đầu năm 1979, trước diễn biến phức tạp của tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc, ngày 05/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên toàn quốc nhằm huy động sức người, sức của để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Bắc Kinh. Chấp hành nghiêm lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một lần nữa những người con xã Bàn Đạt lên đường đánh giặc giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Chặng đường phấn đấu 10 năm đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bàn Đạt rút ra được những bài học quý báu bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển tiếp theo. Bước vào thời kỳ thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đảng bộ Bàn Đạt tiếp thu vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng cao hơn, cụ thể hơn vào địa phương mình. Do vậy, đã đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, làm biến đổi sâu sắc bộ mặt của làng xã, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thứ nhất là trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ đã lãnh đạo nông dân trong xã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng, phát triển thủy lợi, giao thông nông thôn, triển khai thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương về "Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp", từng bước đưa nông nghiệp Bàn Đạt phát triển ngày càng vững chắc, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Đây là điều kiện quan trọng để Đảng bộ và nhân dân xã Bàn Đạt bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục xây dựng quê hương đất nước.

Bước vào thời kỳ thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (1986 – 1995), Đảng bộ Bàn Đạt tiếp thu vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng cao hơn, cụ thể hơn. Thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương với luồng gió đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, Bàn Đạt từng bước xóa bỏ hình thức bao cấp trì trệ kém phát triển, đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Thời gian này, Bàn Đạt cũng như các địa phương khác của cả nước bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới theo Đại hội VI của Đảng đó là kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp xây dựng cơ chế quản lý mới – cơ chế thị trường, áp dụng những biện pháp kích thích sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Tỉnh Bắc Thái được tách thành tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn có địa giới như trước khi sáp nhập. Xã Bàn Đạt là đơn vị hành chính  thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2000, xóm Bàn Đạt tách thành 04 xóm mới là: Tân Minh, Bàn Đạt, Trung Đình, Bãi Phẳng. Xã Bàn Đạt bao gồm 12 xóm là Bờ Tấc, Việt Long, Đá Bạc, Đồng Quan, Cầu Mành, Na Chặng, Đồng Vĩ, Tân Minh, Trung Đình, Bàn Đạt, Bãi Phẳng, Phú Lợi.

 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt kinh tế, xã hội của Bàn Đạt có nhiều khởi sắc, tiến bộ. Bàn Đạt là xã miền núi, địa bàn rộng, xuất phát điểm còn rất, lúc mới bắt đầu thực hiện chương trình, xã mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí, nhưng đến cuối năm 2015 kết quả đã đạt 13/19 tiêu chí. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 20,1%/năm. Tổng giá trị thu nhập năm 2010 là 39,3 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt 98,25 tỷ đồng (tăng 35,5% so với chỉ tiêu đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI đề ra). Giai đoạn 2013 – 2019, Bàn Đạt là một xã vùng 3 – vùng đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình, khắc phục những khó khăn, tận dụng mọi thời cơ, nguồn lực Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Bàn Đạt đã nỗ lực không ngừng, khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên, xây dựng địa phương ngày càng phát triển, đảm bảo được các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã đề ra. Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, đến năm 2020, Bàn Đạt được công nhận là xã nông thôn mới.

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của xã nhà. Những con đường bê tông trải dài khắp các ngõ xóm; nhà văn hóa, sân thể thao được cải tạo, mở rộng... đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm kết thúc, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Bàn Đạt đã và đang tiếp tục tập trung huy động nguồn lực củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhằm mang đến diện mạo mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống nhân dân.

Đến nay, bộ mặt kinh tế, xã hội của Bàn Đạt đã có nhiều đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Trên địa bàn xã hiện có 168 hộ gia đình sản xuất kinh doanh, gần 1.000 người đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, nhân dân tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao. Xã có 01 hợp tác xã chè Phú Lợi và dịch vụ, sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có 5 gia trại chăn nuôi. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 43.843.000 đồng/người/năm. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nên tỉ lệ giảm nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh. Số hộ nghèo giảm từ 35,96% năm 2014 xuống còn 5,79% năm 2023.

Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện, 100% đường trục xã, 94,99% đường trục xóm và gần 80% đường ngõ xóm đã được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới tiêu cho trên 80% diện tích sản xuất; hệ thống điện lưới cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; xã có hệ thống đèn điện chiếu sáng khu trung tâm, 8/12 xóm có hệ thống điện chiếu sáng tuyến trục chính, trên địa bàn xã lắp 15 camera an ninh giám sát ở 12 xóm. Trên 80% nhà ở của người dân đạt tiêu chuẩn của Bộ xây dựng. Nhà văn hóa, sân thể thao xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12/12 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn. 03/3 nhà trường đạt chuẩn quốc gia; Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; Trên 90% người dân trong xã có Bảo hiểm y tế.... công tác cải cách hành chính được quan tâm và đạt những kết quả đáng khích lệ, chỉ số cải cách hành chính của xã từ 2019 – 2022 xếp loại tốt, đứng thứ 2 trên toàn huyện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, công tác quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân cấp trên giao hàng năm.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục đạt được nhiều thành quả. Từ khi có 06 đồng chí đảng viên đến nay toàn đảng bộ xã có 276 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ trực thuộc. Liên tục nhiều năm liền, Đảng bộ đạt Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền được nâng cao hơn, trong đó chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành. MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội xă tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tham gia tích cực vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. 

Trải qua quá trình lịch sử thăng trầm, bao thế hệ người dân xã Bàn Đạt đã đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ đấu tranh chống thiên tai, địch họa, biến những vùng đất đồi hoang hóa thành ruộng vườn, ao hồ và những xóm làng trù phú. Người dân Bàn Đạt với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thông minh, sáng tạo, đức tính thật thà, giàu lòng nhân ái, mến khách, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã tạo nên những giá trị văn hóa phong phú và đặc sắc.

 

Nguyễn Văn Quảng

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 5030871